Thursday, 25 Apr 2024
Nhận và chuyển tiền

5 hình thức lừa đảo mới chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 2024

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin cho cuộc sống hiện đại ngày càng dễ dàng, là sự tinh vi của những thủ đoạn lừa đảo, cướp đoạt tài sản rất khó lường. Chính vì thế chúng ta phải thật thận trọng nhiều hơn, điển hình là với 5 hình thức lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng gần đây mà infofinance chia sẻ bên dưới.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo phổ biến hiện nay

Gần đây, các thuê bao điện thoại di động thỉnh thoảng vẫn nhận được tin nhắn khuyến cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông với nội dung kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác đối với những trường hợp có thể là lừa đảo.

Cụ thể, mọi người không được chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại cho người lạ. Nếu gặp phải tình huống có người lạ yêu cầu như vậy thì phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc thông báo đến hotline 0692348560 để được hỗ trợ kịp thời.

Không phải ngẫu nhiên mà có những tin nhắn như thế này gửi đến người dùng di động trên cả nước. Bởi vì gần đây xuất hiện quá nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bằng các hình thức khác nhau, nổi bật là chuyển tiền vào ngân hàng nói chung. Trong đó, cơ bản có 3 kiểu lừa đảo như sau.

canh-bao-lua-dao
Cảnh báo lừa đảo từ Bộ TTTT

Hình thức lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng

Giả người thân và yêu cầu chuyển tiền gấp

Hình thức này tuy không phải là mới nhưng vẫn không ít người bị lừa vì thiếu cảnh giác. Cụ thể, kẻ xấu có được tài khoản mạng xã hội của một người thân nào đó của bạn như Facebook, Zalo, Viber,… Nguyên nhân có thể do:

  • Chúng hack mật khẩu tài khoản của người thân bạn
  • Người thân bất cẩn không đăng xuất tài khoản khỏi thiết bị và vô tình bị kẻ lạ truy cập vào sử dụng

Sau đó, kẻ lừa đảo liên hệ với bạn (thường là nhắn tin vì sẽ không bị lộ giọng nói hay khuôn mặt), yêu cầu bạn chuyển gấp một số tiền. Chúng rất khôn ngoan, thường bịa ra một lý do cấp bách nào đó để đánh vào tâm lý của bạn rằng phải chuyển tiền ngay lập tức để giúp “người thân” kia.

Nếu nạn nhân thắc mắc về số tài khoản nhận không giống như mọi khi, thì kẻ lừa đảo sẽ giải thích rằng thẻ đang bị khóa hay lỗi gì đó, đây là tài khoản của người bạn, người thân khác. Nói chung, bằng mọi cách chúng sẽ khiến bạn vội vàng chuyển khoản nếu không tỉnh táo.

Lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản để nhận quà

Quà hoặc giải thưởng từ các chương trình khuyến mãi

Có khi nào bạn nhận được một thông báo về điện thoại là đã trúng một phần quà giá trị rất lớn chưa? Chắc hẳn nhiều người đã gặp tình huống này, nhưng có quan tâm và tin vào chúng hay không thì là một chuyện khác.

Chiêu lừa đảo của bọn tổ chức mạo danh này thường là gọi điện hoặc nhắn tin chúc mừng người dùng đã may mắn trúng được một phần quà tặng trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Chúng xưng tên, chức danh và nói là đang làm ở doanh nghiệp hay tổ chức lớn nào đó để khách hàng không đề phòng.

Tiếp đến, kẻ xấu yêu cầu bạn đóng một khoản thuế mới được nhận món quà, phần thưởng đã nói trên. Có thể số tiền đó bằng 10% món hàng mà chúng đề cập. Nếu khách hàng còn phân vân, chúng sẽ xác minh thông tin cá nhân của khách hàng một cách chính xác, thuyết phục nhanh chóng chuyển tiền để nhận quà.

Sau khi đóng tiền, nhận được thẻ quà, khách hàng được hướng dẫn đến các siêu thị điện máy để lấy phần thường là những món hàng được thông báo. Tuy nhiên lúc đó họ mới vỡ lẽ là mình bị lừa, vì các điểm mua sắm đều từ chối thanh toán bằng chiếc thẻ dởm kia.

Lừa có quà từ nước ngoài gửi về

hinh-thuc-lua-dao-chuyen-tien-vao-tai-khoan-ngan-hang
Những món quà đắt đỏ là mồi nhử của kẻ lừa đảo

Đối với chiêu này, cách thức hoạt động được thực hiện theo một quy trình gần như hoàn hảo. Mặc dù những năm gần đây đã có nhiều vụ bị phanh phui, bóc trần, nhưng số người sập bẫy cũng không vì thế mà dừng lại.

Kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý thích được nhận quà của các chị em phụ nữ, bên cạnh đó là những lời khen tặng, yêu mến có cánh khiến họ mê muội mà làm theo tất cả yêu cầu của chúng. Thông thường, mối quan hệ bắt đầu từ một người nước ngoài xa lạ nhắn tin làm quen.

Thật ra trong số những kẻ lừa đảo có không ít người Việt Nam, nhưng chúng đều đi theo một motip là anh chàng nước ngoài đẹp trai, giàu có, ăn nói ngọt như mía lùi. Đối tượng chúng nhắm tới là các cô nàng, đa số là chị em làm mẹ đơn thân cần người chia sẻ, các cô tuổi trung niên thích được nuông chiều.

Quy trình lừa đảo diễn ra như sau:

– Lập một tài khoản với ảnh đại diện đẹp trai, công việc lương cao

– Kết bạn, làm quen, nói chuyện thân mật và hứa hẹn sẽ về Việt Nam sống chung

– Sau một thời gian, chúng ngỏ ý muốn tặng những món quà đắt tiền cho bạn nhân

– Chụp ảnh quá trình chúng đi mua quà, gói quà, đem quà đi gửi tại bưu điện (thật ra đều là giả, hình ảnh đó tất nhiên không phải của chúng)

– Thông báo quà đã gửi xong, nói nạn nhân chờ điện thoại của nhân viên bưu điện

– Có nhân viên sân bay (cũng là giả mạo) gọi điện cho nạn nhân, yêu cầu gửi khoản chi phí để được nhận quà từ nước ngoài gửi về

– Sau khi nạn nhân chuyển tiền xong, thường khoảng 20 triệu, liên hệ lại với anh chàng kia thì phát hiện đã bị chặn, gọi cho nhân viên sân bay cũng không được.

Như vậy là mất tiền, quà đâu không thấy mà chỉ thấy một nỗi ấm ức không biết kiện ai, kiện ở đâu và làm sao lấy lại tiền. Nhiều người còn ngại ngần không dám kể cùng ai, vì sợ xấu hổ với tin đồn bị đàn ông lừa đảo do cả tin.

Mạo danh công an lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng

Đã có một số trường hợp bị lừa kiểu này và đa số chúng đã thực hiện trót lọt. Vì thế các cơ quan chức năng đã có khuyến cáo cụ thể để người dân cập nhật thông tin, thận trọng, không khiến mình trở thành miếng mồi ngon cho bọn lừa đảo.

Theo đó, ban đầu nạn nhân nhận được cuộc gọi vào điện thoại, thông báo rằng thuê bao này đang dính vào một cuộc điều tra lừa đảo, mạo danh hoặc có người dùng thuê bao để phạm pháp. Người gọi tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm soát của địa phương nạn nhân đang sinh sống.

Chúng giải thích ngắn gọn và yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền khá cao để “phục vụ điều tra” theo số tài khoản chỉ định. Nhiều người yếu bóng vía, nghe đến pháp luật hoặc cán bộ công an là dạ vâng ngay, thực hiện theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo tinh vi.

Sau khi nhận được tiền, ngay lập tức chúng rút ra, tẩu tán số tiền qua một tài khoản nước ngoài hoặc cách khác, rồi cắt đứt liên lạc, chặn để nạn nhân không thể tìm được.

Tìm Hiểu Rõ hơn: CÁCH LẤY LẠI TIỀN KHI BỊ LỪA CHUYỂN KHOẢN

Một số chiêu lừa đảo phổ biến khác

Giả vờ chuyển tiền nhầm để chiếm đoạt tài sản

1/ Ép vay

  • Nạn nhân nhận tiền về tài khoản với nội dung cho vay
  • Có người gọi điện báo rằng mình vừa chuyển nhầm, nhờ nạn nhân trả lại
  • Tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản nguồn đã chuyển nhầm
  • Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm đòi tiền nạn nhân
  • Chúng đưa ra chứng từ gửi tiền, thông tin chuyển khoản làm bằng chứng
  • Bắt nạn nhân thanh toán thêm tiền lãi vay tiền trong những ngày trước

Đối với hình thức ép vay này, nếu nạn nhân tỉnh táo, không vội vàng chuyển trả mà ra ngân hàng nhờ hỗ trợ thì sẽ không bị lừa.

2/ Chuyển nhầm và yêu cầu trả lại qua trang web

Thủ đoạn của chúng là nhắm vào một người quen nhưng không phải người thân, có thể là đã từng mua bán. Các bước thực hiện thường là:

  • Giả vờ chuyển nhầm vào tài khoản của nạn nhân một số tiền không lớn
  • Có nhân viên ngân hàng (giả mạo) gọi điện thông báo cho nạn nhân
  • Nhân viên hướng dẫn nạn nhân trả lại tiền, nếu không trả sẽ bị kiện
  • Kẻ lừa đảo gửi một link web, yêu cầu nạn nhân điền thông tin vào
  • Trong lúc thao tác, nạn nhân nhập tài khoản, mã OTP vào ô theo yêu cầu
  • Tài khoản của nạn nhân ngay lập tức bị trừ hết tiền, sau đó bị rút hết

Tự xưng là nhân viên ngân hàng để ăn cắp tài khoản

Nhiều trường hợp mất tiền oan vì bị kẻ lừa đảo giả mạo làm nhân viên ngân hàng để ăn cắp thông tin ngân hàng. Tuy nhiên ở đây chúng không yêu cầu nạn nhân chuyển tiền, cũng không giả vờ chuyển nhầm vào tài khoản nạn nhân hòng lừa đảo, mà làm luôn “trọn gói”.

Tức là chúng sẽ ăn cắp thông tin tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân, từ user đăng nhập, mật khẩu cho đến mã OTP bí mật. Theo đó, kẻ lừa đảo gọi điện thông báo cho khách hàng là có người chuyển tiền vào tài khoản của họ, nhưng bị lỗi hệ thống nên tiền chưa đến được. Muốn nhận tiền thì nạn nhân phải cung cấp những thông tin tài khoản.

Cũng có trường hợp, nhân viên giả mạo thông báo cho nạn nhân là tài khoản của họ đang bị kẻ lạ xâm nhập, yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực để ngân hàng sẽ bảo mật lại giúp.

Tất nhiên chẳng có nhân viên ngân hàng nào cả, cũng chẳng có ai chuyển tiền cho nạn nhân hay là tài khoản bị lỗi gì. Đó đều là những lý do bịa đặt, nếu người sành về các giao dịch tài chính sẽ nhân ra ngay.

Chuyên gia nói về các hình thức lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản

Nguyên nhân khách hàng bị lừa

Theo phân tích, những vụ lừa đảo xảy ra và được thực hiện trót lọt là do:

  • Nạn nhân quá mất cảnh giác, tin người, thiếu cập nhật tin tức xã hội
  • Một số trường hợp nạn nhân nảy sinh lòng tham trước số tiền lớn (quà)
  • Sự tinh vi trong các thủ đoạn lừa đảo khiến nạn nhân không lường được
  • Sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận nhân viên công ty tín dụng
  • Các ứng dụng vay tiền quản lý quá lỏng lẻo, hoặc bản thân là kẻ lừa đảo

Làm thế nào khi bị lừa?

Ngay khi nhận ra mình bị sập bẫy bọn lừa đảo, nạn nhân không nên giấu diếm mà phải trình báo ngay cho cơ quan công an (theo số điện thoại cung cấp ở đầu bài) hoặc ngân hàng có liên quan để được xử lý.

Thật ra không phải lúc nào bạn cũng lấy lại được số tiền đã bị lừa đảo. Nhưng ít ra nó vẫn có hi vọng, và cũng là cách để cảnh báo những người khác phải sáng suốt, thận trọng hơn nếu gặp tình trạng tương tự.

Đề phòng các chiêu lừa đảo

  1. Xác minh người nhận và lý do chuyển tiền

Để không bị dính vào những cái bẫy tinh vi như đã nói, chúng ta phải là người dùng tỉnh táo, bất cứ lúc nào cũng không được vội vàng làm theo yêu cầu. Dù là người lạ, người quen, người thân, thì cũng phải xác minh đầy đủ các thông tin.

Thậm chí khi người thân có việc gấp cần tiền ngay và họ nhắn tin cho bạn, hãy yêu cầu gọi video hoặc nghe giọng nói để đảm bảo chính xác đó là người thật việc thật.

  1. Không nhấp vào các đường link lạ

Trong thời đại hiện nay, việc nhấp vào các link lạ nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Nếu không phải lừa đảo tiền, ăn cắp thông tin thì cũng là link chứa virus làm hại thiết bị của bạn. Thật ra không phải link nào cũng xấu, những thận trọng vẫn tốt hơn.

  1. Không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai

Nếu không phải những giao dịch chính thống tại ngân hàng, công ty tài chính uy tín, thì việc bạn cung cấp thông tin tài khoản của mình cho bất kỳ ai cũng không tốt. Đặc biệt là mật khẩu và mã xác thực OTP. Đó là những chi tiết quan trọng để bảo mật tài khoản ngân hàng của mình, không được cho ai biết.

  1. Báo ngay cho cơ quan chức năng khi nhận thấy dấu hiệu lừa đảo

Khi bạn đã tiếp xúc với các thông tin cảnh báo, hãy ngăn chặn chiêu lừa đảo và hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc tìm thấy chúng. Bạn phải báo ngay cho ngân hàng hoặc công an về việc có người đang bắt đầu giở trò lừa đảo với mình, đồng thời trì hoãn các thao tác mà kẻ xấu yêu cầu. Tất nhiên cho đến cuối cùng thì bạn cũng không làm theo các yêu cầu đó.

Với những hình thức lừa đảo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi, chiêu trò mới mẻ, không cẩn thận chúng ta rất dễ trở thành miếng mồi béo bở cho bọn xấu. Vì thế hãy tỉnh táo trong những tình huống dính dáng đến vấn đề tài chính, đặc biệt là với người lạ nhé.

Post Comment