Friday, 29 Mar 2024
DigiBank Kiến thức Thông Tin

Mẫu giấy báo có của các ngân hàng 2024 là gì? [File tải về tại đây]

Giấy báo có của ngân hàng là một chứng từ kế toán rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp giao dịch tài chính qua ngân hàng, cuối tháng sẽ cần tổng hợp giấy báo có với đầy đủ dấu đỏ của ngân hàng để lưu hồ sơ, chứng từ theo quy định. Vậy mẫu giấy báo có của các ngân hàng hiện nay có hình thức như thế nào? Hãy theo dõi thông tin chi tiết hơn tại bài viết dưới đây.

Giấy báo có của ngân hàng là gì?

Giấy báo có là chứng từ được ngân hàng cấp cho khách hàng. Chứng từ này có công dụng thông báo đến khách hàng về giao dịch khi tài khoản biến động. Trên giấy báo có sẽ có chi tiết số tiền biến động cũng như ngày diễn ra. Đây là chứng từ quan trọng đối với các doanh nghiệp. Nếu bạn là kế toán của công ty, bạn cần thu thập đủ giấy báo có này cho tổ chức của mình.

Mẫu giấy báo có của các ngân hàng hiện nay

Giấy báo có của ngân hàng phải được làm theo mẫu quy định của ngân hàng nhà nước. Trên đó phải bao gồm các thông tin bắt buộc sau:

Số hiệu chứng từ

Giấy báo có của ngân hàng gửi khách hàng cần phải có chi tiết tên gọi và số hiệu chứng từ. Tên gọi “GIẤY BÁO CÓ” thường được viết in hoa và ở giữa tờ giấy. Số hiệu chứng từ hay còn gọi là số giao dịch sẽ nằm ở góc trên cùng bên tay phải. Thông tin số hiệu này là duy nhất và độ chính xác phải cao. Bởi nó rất quan trọng trong việc tránh sai sót chứng từ.

Ngày tháng năm

Ngày tháng năm lập chứng từ giấy báo có là vô cùng cần thiết. Đây cũng là ngày tháng năm giao dịch phát sinh. Nó thường được viết ở chính giữa, ngay dưới tên chứng từ. Định dạng của ngày tháng năm là dd/mm/yyyy.

Tên đơn vị lập chứng từ

Trên giấy báo có của ngân hàng phải có chi tiết tên và chi nhánh ngân hàng cấp giấy báo có này. Bên cạnh đó, thường thì logo của ngân hàng cũng sẽ xuất hiện ở góc bên trái chứng từ. Dưới logo là tên ngân hàng. Dưới tên ngân hàng là chi nhánh cấp giấy. Tên này cần đầy đủ theo đăng ký kinh doanh của ngân hàng.

Tên đơn vị nhận chứng từ

Giấy báo có bắt buộc phải có tên đơn vị nhận chứng từ. Thường tên này sẽ được viết chính giữa giấy, ngay dưới tên đơn vị lập chứng từ và sau chữ “Kính gửi” để thể hiện sự trang trọng, lịch sự. Tên này cũng cần đầy đủ cả họ lẫn tên với cá nhân. Với doanh nghiệp, tên cần đầy đủ theo đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, cần có mã số thuế được ghi kèm ở bên dưới.

Nội dung giao dịch

Nội dung giao dịch chính là nghiệp vụ phát sinh, là thông báo của ngân hàng khi tài khoản của khách hàng biến động. Dưới mã số thuế là dòng chữ “Hôm nay, chúng tôi xin báo đã ghi có tài khoản của quý khách với nội dung”. Nếu là giấy báo nợ thì sẽ là “Hôm nay, chúng tôi xin báo đã ghi nợ tài khoản của quý khách với nội dung”. Phần nội dung chi tiết sẽ là nội dung chuyển tiền của khách hàng.

Số tài khoản giao dịch

Tài khoản giao dịch chính là tài khoản của khách hàng, tài khoản ghi có. Trên giấy báo có phải được ghi chính xác số tài khoản này.

Số tiền giao dịch

Số tiền giao dịch dù chỉ một nghìn cũng cần lập giấy báo có. Nó sẽ được viết dưới cả hai định dạng là bằng số và số tiền bằng chữ ở ngay bên dưới.

Chữ ký người lập phiếu

Giấy báo có của ngân hàng hay bất kỳ tổ chức nào khác cũng cần chữ ký của người lập phiếu và người liên quan. Tại mẫu giấy của ngân hàng, người lập phiếu là giao dịch viên và kiểm soát. Ngoài ra, nếu chi nhánh ngân hàng nào không có giao dịch viên, chuyên viên phụ trách doanh nghiệp là người ký vị trí giao dịch viên. Giám đốc chi nhánh ký vị trí kiểm soát viên.

Dấu của ngân hàng

Dấu treo của ngân hàng là phần rất quan trọng của giấy báo có. Sau khi giấy báo có được in, ký đầy đủ, người phụ trách cần đóng dấu đỏ của chi nhánh lên vị trí góc trái của ngân hàng để xác nhận giấy hợp lệ. Lúc này, giấy báo có mới hoàn thiện.

Một số lưu ý về giấy báo có của ngân hàng

Đối với giấy báo có của ngân hàng, bạn cần chú ý kỹ một số điểm sau:

Đóng quyển

Giấy báo có cần được đóng thành quyển và được đánh số. Đặc biệt với những công ty thường phát sinh giao dịch với ngân hàng, điều này là hết sức quan trọng để lưu trữ hồ sơ. Số hiệu giấy báo có phải được đánh dấu thường xuyên, theo từng kỳ kế toán để tiện cho việc đối chiếu. Phần nội dung giao dịch cũng phải được ghi càng chi tiết càng tốt.

Số tiền cần chính xác

Số tiền trên giấy báo có phải được ghi thật chính xác bằng cả chữ và số. Không chỉ vậy, bạn cũng cần kiểm tra kỹ cả đơn vị tiền tệ để tránh sai sót. Nếu số tiền phát sinh là ngoại tệ, trên giấy báo có cần ghi thêm tỷ giá tại thời điểm phát sinh.

Trên đây là các thông tin về mẫu giấy báo có của ngân hàng hiện nay. Mẫu giấy này cần theo tiêu chuẩn chung của ngân hàng nhà nước. Do đó, chúng giống nhau ở các ngân hàng. Khi nhận giấy báo có từ ngân hàng, bạn nên kiểm tra kỹ từng đầu mục để tránh sai sót chứng từ. Nếu để lâu mới kiểm tra lại thì việc đối chiếu có thể sẽ khó khăn hơn.

Tham khảo thêm:

 

Post Comment